Nguyên tắc, mức đóng góp và sử dụng các nguồn hỗ trợ
Điều 3 Thông tư 72/2008/TT-BTC (hướng dẫn chi tiết Nghị định 64/2008/NĐ-CP) quy định chung về nguyên tắc, mức đóng góp và sử dụng các nguồn hỗ trợ như sau:
+ Nhà nước khuyến khích và tạo Điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước đóng góp để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm.
+ Mức đóng góp: các tổ chức, cơ quan không quy định mức đóng góp tối thiểu để ép buộc đối với từng đối tượng tham gia đóng góp.
+ Việc đóng góp, hỗ trợ có thể thực hiện ở cơ quan nơi cán bộ, công chức làm việc; đóng góp ở tổ dân phố, thôn, bản và có thể đóng góp nhiều lần.
+ Toàn bộ nguồn tiền và hàng cứu trợ huy động được qua cuộc vận động cứu trợ phải được quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng cho mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; không sử dụng cho các mục tiêu khác.
Các hành vi bị nghiêm cấm
Điều 3 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện hoạt động từ thiện như sau:
+ Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.
+ Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.
+ Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.
Các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện cần lưu ý để tránh vi phạm điều cấm của luật.
Tổ chức sử dụng tiền ủng hộ từ thiện
Căn cứ số tiền, hàng cứu trợ nhận được và mức độ thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra, Trưởng Ban Cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã chủ động phối hợp với chính quyền tổ chức cuộc họp phân phối tiền, hàng cứu trợ đầu tiên chuyển về cho các địa phương, gia đình bị nạn để cứu trợ kịp thời cho nhân dân và địa phương bị thiệt hại. Trong quá trình vận động tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, căn cứ vào số tiền, hàng cứu trợ nhận được mà Trưởng ban quyết định các cuộc họp tiếp theo để phân phối tiền, hàng cứu trợ cho phù hợp.
Tiền, hàng hỗ trợ cho các nạn nhân, thân nhân của nạn nhân bị ảnh hưởng của thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng v.v… phải được ký nhận trực tiếp, đầy đủ của từng đối tượng; trường hợp vì lý do nào đó không ký nhận trực tiếp thì người nhận phải ghi rõ là ký thay.
Nguồn cứu trợ tiếp nhận được qua từng đợt huy động chưa sử dụng hết được sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục hậu thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng của đợt sau. Trường hợp cuối năm kinh phí cứu trợ còn số dư trên tài khoản đóng góp được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.
Thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ
Điều 7 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định về thời gian vận động đóng góp như sau:
+ Thời gian phát động cuộc vận động chậm nhất sau 3 ngày, kể từ ngày thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra.
+ Thời gian vận động đóng góp:
i) Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp.
ii) Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp huyện và các tổ chức, đơn vị khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kéo dài không quá 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu cuộc vận động đóng góp.
+ Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp được quy định ở trên.
+ Riêng cứu trợ phục hồi và tái thiết được hỗ trợ từ nguồn vận động đóng góp của Hội Chữ thập đỏ thì thời gian thực hiện có thể kéo dài đến một năm.
Khen thưởng và xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có thành tích trong việc vận động đóng góp; ủng hộ, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn cứu trợ hỗ trợ nhân dân trong và ngoài nước và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về quy định của pháp luật hiện hành về quyên góp từ thiện.